TRƯỚC TIÊM CHỦNG

VỚI TRẺ NHỎ

  • Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé để thông báo cho bác sỹ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm
  • Nếu trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có một trong các biểu hiện bệnh lý thì phải trì hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ đủ cân, hết sốt hoặc khỏi bệnh
  • Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ (người chăm sóc) cần mang đầy đủ sổ/phiếu tiêm chủng và thông báo đầy đủ tình trạng sức khoẻ, các loại thuốc đang sử dụng để bác sỹ theo dõi và phối hợp cùng bố mẹ đưa ra lịch tiêm chủng hợp lý, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.
  • Bố mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chủng theo lứa tuổi đã được Bộ Y tế và các chuyên gia khuyến cáo. Việc tiêm chủng đúng thời điểm sẽ giúp tạo miễn dịch hiệu quả cho trẻ, tránh trường hợp mắc bệnh có thể xảy ra nếu chưa kịp tiêm chủng.

VỚI NGƯỜI LỚN

Người lớn đi tiêm chủng cần thông báo cho bác sỹ các vấn đề sức khoẻ của mình bao gồm các bệnh đã mắc, các loại thuốc – liệu pháp điều trị đang dùng, loại vacxin đã tiêm dần đây (trong vòng 4 tuần) và phản ứng của cơ thể ở những lần tiêm chủng trước.

 

SAU TIÊM CHỦNG

THEO DÕI SAU TIÊM

1. Trẻ em và người lớn đều cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại phòng khám. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, quấy khóc nhiều, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ… cần báo ngay cho nhân viên y tế ở gần nhất.

Trẻ em cần tiếp tục được theo dõi trong 24-48 giờ sau khi tiêm bao gồm:

  • Thân nhiệt, nhịp thở
  • Sự tỉnh táo (chơi đùa), ăn , ngủ
  • Quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩn đỏ, phát ban)

 

2. Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

  • Cho trẻ mặc quần, áo thoáng mát
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn
  • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng trẻ khi sốt >38.5 độ C, quấy khóc
  • Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thẻ chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ
  • Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn, đắp hay bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
  • Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.

 

3. Những phản ứng sau tiêm thường gặp:

  • Sốt nhẹ (38 – 38 độ C)
  • Quấy khóc và ăn uống kém hơn bình thường (ở trẻ em)
  • Vết tiêm đỏ, sưng nhẹ. Sau khi tiêm phòng lao có thể sưng tạo thành cục tại vùng tiêm
  • Phát ban nhẹ (sau khi tiêm phòng sởi)

Những triệu chứng trên là bình thường và sẽ tự hết sau 1-2 ngày.

 

4. Những biểu hiện nguy hiểm:

Nếu có những biểu hiện sau đây cần đưa ngay trẻ / người tiêm chủng đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi:

  • Sốt trên 39 độ C
  • Co giật hay mệt lả, không có phản ứng khi được gọi
  • Tím tái, khó thở
  • Trẻ quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ
  • Trẻ bú kém, phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày

Những phản ứng nặng sai tiêm chủng thường rất hiếm gặp và không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và xử lý kịp thời.

 

An toàn tiêm chủng không đơn thuần là chất lượng vacxin, sự tuân thủ quy trình của nhân viên y tế mà còn bao gồm cả sự theo dõi, chăm sóc của gia đình sau khi tiêm chủng cho trẻ / người đi tiêm.