A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài tập giảm đau vai gáy hiệu quả cho người thoái hóa cột sống cổ

Đau vai gáy là triệu chứng thường gặp ở nhân viên văn phòng và những đối tượng thường xuyên làm việc trong tư thế ít thay đổi. Nguyên nhân chính dẫn đến đau vai gáy xuất phát từ tư thế sai khi ngồi làm việc hoặc trong sinh hoạt, căng thẳng thần kinh, tai nạn hay chấn thương. Nếu chúng ta không chữa trị, sẽ dẫn đến bệnh thiểu năng tuần hoàn não, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tê mỏi cánh tay, giảm trí nhớ và năng suất làm việc, làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động xã hội.

Để phòng và hỗ trợ điều trị chứng đau vai gáy hiệu quả, thói quen tập luyện là rất cần thiết. Áp dụng đúng bài tập sẽ giúp các khối cơ vùng cổ và vai gáy chắc khỏe, khớp đốt sống được thư giãn, tạo điều kiện cho máu huyết lưu thông tốt, giảm đau mỏi, giúp tư thế cột sống cổ ở đúng trạng thái sinh lý, giảm đau và phòng tránh tái phát các bệnh lý cột sống cổ do thoái hóa.

Thời gian tập: Duy trì đều đặn hàng ngày 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác thực hiện 10 – 15 lần.

Lưu ý khi tập luyện: Thực hiện các động tác nhẹ nhàng, từ từ tăng dần tầm vận động đề phòng chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột.

Động tác 1: Gập cột sống cổ: Cúi đầu về phía trước, cằm càng gần ngực càng tốt, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 2: Duỗi cột sống cổ: Ngửa đầu ra phía sau hết mức có thể, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 3: Nghiêng cột sống cổ: Lần lượt nghiêng đầu sang vai hai bên, càng xa càng tốt, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 4: Xoay cột sống cổ: Lần lượt xoay đầu sang hai bên, càng xa càng tốt, mắt nhìn xuống vai, sau đó trở lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).

Động tác 5: Vận động cột sống cổ ra phía trước và về phía sau: Từ vị thế ngồi ở tư thế chuẩn bị ban đầu, người tập vận động “đưa” đầu ra phía sau đến mức tối đa (kết hợp với hít vào), sau đó “đưa” đầu ra phía trước đến mức tối đa (kết hợp với thở ra), rồi tiếp tục tập lại như đã làm ở trên.

Lưu ý: Chỉ tập vận động đầu và cổ, còn thân mình vẫn giữ ở tư thế ngồi thẳng, thoải mái như đã mô tả ở trên trong tư thế chuẩn bị.

Động tác 6: Tập mạnh cơ cổ hai bên: Lần lượt đặt bàn tay hai bên lên đầu cùng bên, phía trên tai, tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu cũng ra một lực kháng lại lực ấn của bàn tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. Giữ yên 5 giây.

Động tác 7: Tập mạnh cơ cổ phía trước - sau:

- Phía trước: Đặt bàn tay phải hoặc trái lên trán, tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu ép về phía trước tạo một lực kháng lại lực ấn của bàn tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. Giữ yên 5 giây.

- Phía sau: Một hoặc hai bàn tay đặt phía sau đầu, tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu ép về phía sau tạo một lực kháng lại lực ấn của tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. Giữ yên 5 giây.

Động tác 8: Kéo dãn cột sống cổ tư thế nghiêng: Lần lượt từng bên, một tay thẳng hướng xuống mặt đất, tay kia vòng qua đầu nhẹ nhàng kéo đầu theo đường chéo hướng xuống về phía bên đối diện. Giữ yên 5 giây.


Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 13 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved