A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều bạn nên biết về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn Aedesaegypti (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt.

Hình ảnh: Con đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (nguồn: Internet)

Virus gây bệnh  này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Vì vậy mà mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. 

 

2. Triệu chứng sốt xuất huyết

Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 – 40 o C trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Kèm theo người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục. Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Hình ảnh: Triệu chứng sốt xuất huyết

3. Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

- Sốc do mất máu, thoát huyết tương: Tình trạng thoát dịch ra ngoài lòng mạch máu gây cô đặc máu. Gây ra các triệu chứng như chảy máu cam, chảy máu chân răng; xuất huyết nội tạng do giảm tiểu cầu như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh, đột quỵ...

- Xuất huyết não: Đây là tình trạng rất nguy hiểm, tiểu cầu bị giảm mà bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.

- Tràn dịch màng phổi: Huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp.

- Hôn mê: Khi bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê.

- Suy tim, suy thận: Suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn. Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thêm vào đó thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp. 

- Biến chứng mắt: Mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

- Với phụ nữ đang mang thai, nếu bị SXH trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai.

 

4. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường muỗi đốt, vì vậy biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả nhất chính là vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.

Hình ảnh: Các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết (nguồn: TTXVN)

Khi nghi ngờ bị SXH, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị SXH cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trong trường hợp được bác sỹ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu có cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. Điều trị và theo dõi SXH tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved