A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sâu răng - Nguyên nhân và cách phòng tránh

Sâu răng là một trong những vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến nhất trên thế giới. Bất kì đối tượng nào cũng có thể mắc sâu răng, đặc biệt ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Phát hiện sâu răng sớm và điều trị đúng cách giúp bảo tồn răng, giảm chi phí kinh tế, cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

1. Sâu răng là gì?

Ảnh 1: Quá trình tiến triển của sâu răng. Nguồn: internet

Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng tạo thành những lỗ nhỏ trên bề mặt răng.

Sâu răng nếu không được điều trị sẽ dẫn đến đau răng, nhiễm trùng, mất răng, hay một số trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả cơ thể: nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, viêm xoang hàm, suy giảm trí nhớ,…

2. Nguyên nhân gây sâu răng là gì?

Nguyên nhân gây sâu răng do một số chủng vi khuẩn tạo axit gây ra, đặc biệt kể đến là Steptococus mutans, ngoài ra có các chủng vi khuẩn khác như: Actinomyces, Lactobacillus… Răng miệng nếu không được chăm sóc thường xuyên và cẩn thận sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, phá hủy tổ chức răng.

Một số nguyên nhân gây sâu răng thường gặp:

- Không đánh răng thường xuyên

- Chải răng không đúng cách

- Ăn đồ ngọt nhiều

- Thiếu nước…

- Một số yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng: men răng, hình thể răng, vị trí răng, tuyến nước bọt, vụn thức ăn bám tại các kẽ răng,…

3. Khi nào nên đi khám răng?

Người bệnh có thể không nhận thức được rằng sâu răng đang hình thành. Đó là lý do tại sao việc kiểm tra và làm sạch răng thường xuyên rất quan trọng, ngay cả khi người bệnh cảm thấy răng miệng ổn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và vị trí của chúng. Khi sâu răng mới bắt đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Khi bệnh nặng lên có thể gây ra dấu hiệu và triệu chứng:

- Đau răng tự phát hoặc đau xảy ra không có nguyên nhân rõ ràng

- Đau nhẹ hoặc đau khi ăn đồ ăn kích thích như: ngọt, chua, nóng hoặc lạnh

- Người bệnh có thể nhìn thấy lỗ sâu trên bề mặt răng

- Đau khi cắn, ăn nhai

- Trường hợp lỗ sâu tiếp tục xâm lấn, có thể dẫn đến viêm tủy răng: cơn đau xuất hiện với tần suất dày đặc, cường độ đau tăng, khiến người bệnh không thể tập trung làm việc.

Khám chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt định kì là cách tốt nhất để giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm: đau răng, sưng hoặc mủ quanh răng, mất thẩm mỹ, giảm cân hoặc các vấn đề dinh dưỡng do đau hoặc khó ăn nhai… Một số trường hợp, áp xe răng-túi mủ do nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.

4. Cách phòng ngừa bệnh sâu răng:

Vệ sinh răng miệng tốt, thói quen ăn uống lành mạnh, hay khám sức khỏe răng miệng định kì là lời khuyên mà các bác sĩ Nha khoa dành cho bạn.

Đánh răng đúng cách, thay bàn chải thường xuyên.

Ảnh 2: Thứ tự các bước chải răng đúng cách (Nguồn: internet)
  • Đánh răng ít nhất hai lần trong một ngày, đặc biệt sau mỗi bữa ăn với kem đánh răng chứa fluoride.
  • Thời gian cho một lần chải răng là 2-3 phút. Đánh răng nhẹ nhàng, xoay tròn hoặc theo chiều dọc 2-3 răng và đánh theo từng nhóm răng. Không chải răng theo chiều ngang vì có thể gây mất men răng và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nha khoa.
  • Bạn nên chọn loại bàn chải có lông mềm, kích thước phù hợp với khoang miệng, có thể tới được các kẽ răng. Thay bàn chải ít nhất 3 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng luôn tốt nhất và phòng ngừa sâu răng hiệu quả.
 

Vệ sinh kẽ răng với bàn chải kẽ hoặc chỉ nha khoa vì đây là vùng dễ bị bỏ sót, dễ bị sâu nhất.

​​​​​​​Thay đổi thói quen ăn uống

  • Để phòng ngừa sâu răng, bạn không nên ăn nhiều thực phẩm giàu đường sucrose (có trong các loại thực phẩm như: mía, mật ong, củ cải đường, bánh kẹo, nước ngọt có gas,..). Thay vào đó, bạn có thể bổ sung đường từ các loại hoa quả và rau (cam, táo, dứa, cỏ ngọt,..).
  • Bổ sung các loại rau củ quả giàu chất xơ, các loại hạt hay các sản phẩm từ sữa như sữa chua, kem, phô mai...
  • Từ bỏ thói quen ăn vặt giữa các bữa ăn vì làm tăng thời gian acid tiếp xúc với bề mặt răng, tăng khả năng sâu răng lên nhiều lần.

​​​​​​​Khám răng định kì. Làm sạch và kiểm tra răng miệng thường xuyên có thể ngăn ngừa bệnh sâu răng hoặc phát hiện sớm.

 

Ảnh 3: Khám sức khỏe răng miệng định kì phát hiện sớm sâu răng

Cao răng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý răng miệng, trong đó có sâu răng. Bạn nên lấy cao răng định kì 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng khám chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt - Phòng khám đa khoa trường đại học Y tế công cộng cung cấp các dịch vụ:

  • Khám và điều trị các bệnh lý chuyên khoa: sâu răng sữa và sâu răng vĩnh viễn, viêm tủy răng, viêm cuống răng, áp xe răng,…
  • Lấy cao răng
  • Phục hình răng…​​​​​​​

Với trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ y bác sĩ tâm huyết, phòng khám đa khoa trường đại học Y tế công cộng tự hào là nơi chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mọi người.


Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved