A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Táo bón: nguyên nhân, dấu hiệu và cách dự phòng

Táo bón là bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành và trẻ em và là mối bận tâm của nhiều người hiện nay, một phần do chế độ ăn không phù hợp, ít chất xơ, một phần do cuộc sống ít vận động. Táo bón khiến cơ thể luôn mệt mỏi, đầy bụng, nặng hơn gây các biến chứng cho hệ tiêu hóa.

1. Táo bón là gì?

Táo bón không phải là triệu chứng của một bệnh mà là bệnh lý. Táo bón là số lần đi đại tiện < 3 lần/ tuần trong thời gian > 2 tháng.
Tình trạng này kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn có thể trở thành mạn tính.  
Nếu mắc bệnh táo bón, người bệnh sẽ gặp nhiều phiền muộn trong sinh hoạt và cuộc sống.

Hình ảnh 1: Bệnh táo bón

2. Đối tượng nào dễ mắc táo bón:

  • Gặp ở mọi độ tuổi:
  • Đối với trẻ nhỏ, việc trẻ nhịn không chịu đi ngoài thường gặp nhất. Ngoài ra chế độ ăn thiếu chất xơ cũng gây nên táo bón,…
  • Phụ nữ đang mang thai và sau sinh cũng là những đối tượng nguy cơ do thay đổi nội tiết tố và chế độ ăn uống.
  • Người liệt do tai biến mạch máu não, đa chấn thương vì đối tượng này mất trương lực ruột nên phân nằm lâu trong đại tràng gây táo bón.
 
3. Các nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biết bệnh táo bón:
Nguyên nhân:
  • Rối loạn vận động đại tràng: chế độ ăn nghèo chất xơ
  • Rối loạn tháo phân trực tràng (khó đại tiện)
  • Nguyên nhân trong lòng đại tràng và ngoài lòng đại tràng như: do khối u chèn ép gây hẹp lòng đại tràng như Ung thư trực tràng, Ung thư buồng trứng,...
  • Loét lành tính từ trong lòng đại trực tràng
  • Do thuốc: thuốc chống trầm cảm, chế phẩm thuốc phiện,...
  • Nguyên nhân chuyển hoá: suy giáp, tăng calxi máu, giảm kali máu, đái đường, porphyries.
  • Nguyên nhân thần kinh: thường gặp nhất là do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não,...
  • Tổn thương ống tiêu hoá: Hirschprung, rò hậu môn, viêm trực tràng, to trực tràng, không rõ nguyên nhân.
Các dấu hiệu nhận biết khi bị táo bón: Dấu hiệu thường gặp nhất là đau bụng từng cơn trước khi đại tiện.
  • Đại tiện ít hơn 3 lần/tuần.
  • Phân cứng, khô hoặc rời rạc, lỏm chỏm giống như phân dê.
  • Đi đại tiện thường từ 1-2 giờ trong nhà vệ sinh.
  • Những dấu hiệu không thường gặp: đầy hơi, có máu tươi bám trên bệ mặt phân khi đi đại tiện.
 
4. Bị táo bón kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng gì? Nếu táo bón kéo dài không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như:
  • Trĩ
  • Nứt kẽ hậu môn.
  • Sa trực tràng: Tình trạng táo bón kéo dài làm cho các mô của trực tràng thường xuyên căng giãn , lâu dần có thể gây ra tình trạng sa phần niêm mạc ống hậu môn và về sau kéo theo cả niêm mạc tuyến của trực tràng gây ra sa trực tràng.

Hình ảnh 2: Các biến chứng thường gặp về bệnh táo bón ( Nguồn Internet)

5. Cách phòng bệnh và điều trị bệnh táo bón:

  • Tăng chất xơ: Chất xơ có tác dụng nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hoá đồng thời cũng là tác nhân tham gia thải cấc sản phẩm oxy hoá. Chế độ ăn giàu chất xơ giúp tiêu hóa tốt và tăng nhu động ruột. Ngoài ra giúp dự phòng một số bệnh khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ…Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, rau xanh, táo, lê, cam, quýt, trái cây sấy khô, cây họ đậu…
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước là thói quen tốt dự phòng táo bón và đầy bụng. Uống nhiều nước cùng với khẩu phần ăn có nhiều chất xơ giúp ruột lưu thông tốt, phân mềm và dễ bài tiết ra ngoài.
  • Tập thể dục thường xuyên: Những bài tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, dự phòng táo bón, vì thế nhu động ruột hoạt động được tốt và phân được đào thải dễ dàng.
  • Hạn chế thực phẩm giàu chất béo: Việc tiêu thụ những thực phẩm giàu chất béo không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh chuyển hoá mà còn gây táo bón, đặc biệt là những thực phẩm như xúc xích, bánh pizza, bánh mì kẹp thịt…
  • Đi vệ sinh vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tốt nhất là sau bữa ăn, và cho phép có đủ thời gian dành cho việc đại tiện.

Hình ảnh 3: Các cách phòng bệnh táo bón

Phương pháp điều trị: chủ yếu là ăn nhiều xơ, uống đủ nước. Đi đại tiện vào giờ nhất định.

  • Điều trị nội khoa: dùng những nhóm thuốc giãn mạch, tăng sức bền thành mạch, đôi khi có thể dùng các loại gel bôi trơn
  • Điều trị triệu chứng: như táo bón lâu có thể dẫn đến trĩ sẽ điều trị theo phác đồ bệnh trĩ,…
  • Điều trị phục hồi chức năng: thường gặp ở người già cơ lực yếu, giảm co thắt đại tràng thì sẽ dùng máy kích thích sự co bóp của đại tràng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved