A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ viêm mũi họng: hậu quả của việc dùng kháng sinh sai cách

Thời tiết chuyển mùa là giai đoạn trẻ dễ mắc các bệnh mũi họng. Các vấn đề ở mũi họng của trẻ nếu không được điều trị sớm, kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng như: viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp,… Tuy nhiên, việc cha mẹ tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, hay sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn tới các hậu quả khôn lường, gây nên khả năng kháng kháng sinh khiến việc chữa bệnh càng trở nên khó khăn, lâu dài và tốn kém.

1. Thuốc kháng sinh là gi?
Ảnh: Mỗi loại kháng sinh có những công dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn (Nguồn: internet)
Kháng sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu.
Mỗi loại kháng sinh lại có những công dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn. Có những kháng sinh có khả năng tiêu diệt được nhiều loại vi khuẩn, một số lại chỉ tác dụng trên một loại vi khuẩn nhất định.
 
2. Hậu quả khi sử dụng kháng sinh không đúng cách
Ảnh: Kháng sinh thường có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa
Đa số các vi khuẩn sống tự nhiên trong cơ thể người đều không gây hại. Một số có thể có lợi do chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa và bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây bệnh.
Không chỉ tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh, thuốc kháng sinh còn loại bỏ cả những vi khuẩn có lợi. Khi cha mẹ lạm dụng thuốc, cơ thể trẻ sẽ mất đi những vi khuẩn có lợi đó và trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn bình thường.
Một số hậu quả của việc sử dụng kháng sinh không đúng:
  • Không khỏi bệnh:
Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh hoặc dùng theo đơn của người khác… do cha mẹ ngại đi khám khiến cho bệnh của con không khỏi (vì thuốc điều trị không đúng bệnh) và còn dẫn tới nhiều biến chứng khiến cho việc điều trị bệnh sẽ kéo dài hơn.
Nhiều trường hợp khi dùng kháng sinh nhiều lần nhưng không khỏi, cha mẹ mới đưa con đi khám, lúc này hầu hết bệnh nhiễm trùng đều đã giảm hoặc mất đi các triệu chứng đặc thù của bệnh, khiến cho việc chẩn đoán của bác sĩ khó khăn hơn.
  • Tác dụng phụ của thuốc:
Kháng sinh thường có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa vì thuốc diệt cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tác dụng phụ hay gặp là nôn ói, tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng,… Ngoài ra, một số kháng sinh có tác dụng phụ trên các hệ cơ quan khác như thần kinh, tim mạch, hệ tạo máu, hệ tiết niệu, đặc biệt trong trường hợp dùng thuốc quá liều cho phép. Các tai biến có thể gặp: dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ gây nguy hiểm cho tính mạng.
  • Gây kháng kháng sinh:
Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh hay dùng không đủ liều có nguy cơ dẫn đến việc cơ thể trẻ phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, trẻ có nguy cơ tử vong vì không còn loại thuốc điều trị phù hợp.
 
3. Làm thế nào khi trẻ có dấu hiệu ho, chảy mũi?
Ảnh: Vệ sinh mũi họng cho trẻ là việc làm cần thiết
Các bệnh lý cảm, cảm cúm, ho, đau họng, viêm phế quản,… thường gây ra bởi virus, và trong trường hợp này, việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả.
Vậy nên, khi trẻ có các biểu hiện ho, chảy mũi, cảm sốt,… cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được xác định nguyên nhân của bệnh do vi khuẩn hay vi-rút, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp đối với trẻ.
  • Giúp con hạ sốt bằng cách chườm ấm, để trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi, đồng thời cho con uống nhiều nước, có thể sử dụng nước Oresol để bổ sung điện giải cho bé (lưu ý pha Oresol theo đúng tỉ lệ và sử dụng trong ngày).
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực.
  • Trường hợp trẻ cần phải sử dụng thuốc kháng sinh thì cha mẹ nên cho con uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cả về thời gian dùng thuốc và liều lượng. Tái khám theo đúng lịch hẹn hoặc sau khi con đã sử dụng hết thuốc. Cung cấp cho bác sĩ những thông tin đặc biệt của trẻ: tiền sử dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, những thuốc trẻ đang sử dụng tại nhà (nếu có),…
Trên đây là một vài lưu ý khi trẻ có các biểu hiện của cơ quan mũi họng, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ tại nhà.
Chuyên khoa Tai Mũi Họng - PKĐK ĐHYTCC, với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, khách hàng hoàn toàn yên tâm trong việc điều trị bệnh lý vùng tai-mũi-họng.
- KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ TAI - MŨI - HỌNG: viêm mũi họng, viêm xoang, viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm Amydal cấp, viêm thanh quản cấp...
- THỰC HIỆN CÁC THỦ THUẬT: nội soi tai mũi họng, làm thuốc tai, hút rửa mũi xoang, khí dung mũi họng, bơm thuốc thanh quản, lấy dị vật tai mũi họng.
- SÀNG LỌC, PHÁT HIỆN SỚM ung thư vòm họng, ung thư thanh quản,...
 
 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Copyright 2019 @ Trường Đại học Y tế công cộng. All rights reserved